1. Máu lắng
Máu lắng (VSS) còn được gọi là độ lắng hồng cầu (tốc độ mà các hồng cầu của máu ngưng kết với nhau). Đây là một xét nghiệm không chuyên biệt cho riêng bệnh nào, nhưng lại là một xét nghiệm được áp dụng để tầm soát trong rất nhiều bệnh. Xét nghiệm này thực hiện nhằm đo chiều cao cột hồng cầu lắng xuống (đơn vị là mm) của một thể tích máu đã được chống đông, đựng trong một ống nghiệm đặc biệt có chia vạch trong khoảng thời gian là 1h.
Ý nghĩa của xét nghiệm
Đo tốc độ lắng máu là một xét nghiệm thực hiện để theo dõi một tình trạng viêm nhiễm hay theo dõi một bệnh lý ác tính nào đó, bệnh sốt thấp cấp, hoặc cơn nhồi máu cơ tim cấp. Mặc dù đây là một xét nghiệm mang tính thường quy, tầm soát, nhưng lại rất cần thiết trong việc phát hiện và theo dõi bệnh lao, theo dõi quá trình hoại tử mô trong cơ thể, những rối loạn bệnh lí thuộc về thấp học (bệnh lí của khớp, gân, cơ vân, dây chằng ,.. và những cấu trúc liên quan), thậm chí còn có thể giúp phát hiện ra những bệnh lí mà triệu chứng lâm sàng khá mơ hồ, không rõ ràng.
Kết quả bình thường (Theo phương pháp Westergren)
Người lớn :
Nam dưới 50 tuổi : nhỏ hơn 15mm/giờ
Nam trên 50 tuổi : nhỏ hơn 20mm/giờ
Nữ dưới 50 tuổi : nhỏ hơn 20mm/giờ
Nữ trên 50 tuổi : nhỏ hơn 30mm/giờ
Trẻ em:
Trẻ nhũ nhi : 0 – 2 mm/giờ
Trẻ sơ sinh đến trẻ dậy thì : trung bình 3 – 13 mm/giờ
Kết quả bất thường.
Tốc độ lắng máu thường tăng trong những trường hợp sau đây:
Bệnh thận
Mang thai
Bệnh thấp cấp
Viêm khớp dạng thấp
Thiếu máu nặng
Bệnh giang mai
Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống
Bệnh của tuyến giáp
Bệnh lao
Tốc độ lắng máu tăng rõ ràng trong những bệnh sau đây:
Viêm động mạch do tế bào khổng lồ – động mạch thái dương, động mạch não
Đa u tuỷ
Bệnh macroglobulin huyết (trong máu xuất hiện globulin miễn dịch bất thường)
Bệnh tăng fibrinogen máu
Viêm mạch máu hoại tử
Bệnh đau cơ dạng thấp (các cơ bị đau và cứng lại, thường gặp ở người lớn tuổi)
Tốc độ lắng máu giảm so với bình thường gặp trong những bệnh sau :
Suy tim xung huyết
Máu tăng độ nhớt
Giảm fibrinogen trong máu
Giảm protein huyết tương (do bệnh lí của gan hay thận)
Bệnh đa hồng cầu
Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm
Ngoài ra còn có một số yếu tố bệnh lí có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm như:
Viêm mạch máu dị ứng
U nhầy nhĩ trái
U nhầy nhĩ phải
Viêm gan tự miễn
Viêm nội mạc tử cung
Bệnh viêm cân mạch có tăng bạch cầu ưa toan
Bệnh viêm quầng da do nhiễm Streptococcus pyogen (vùng nhiễm viêm và phồng lên, tạo thành những mảng nhỏ đường kính vài cm)
Viêm khớp dạng thấp trẻ em
Bệnh “cựu chiến binh” : một bệnh nhiễm trùng phổi, gây sốt, đau ngực, khó thở..
Bệnh viêm xương tuỷ
Viêm vùng chậu
Viêm ngoại tâm mạc
Xơ hoá sau phúc mạc
Tổn thương da do nhiễm nấm blastomyces (những vết loét như hạt cơm ở mặt, cổ, bàn tay, cánh tay, bàn chân…)
Viêm tuyến giáp bán cấp
Bệnh mô liên kết như xơ cứng bì …
2. CRP
CRP (C – Reactive Protein) là một protein viêm giai đoạn cấp không đăc hiệu, được sản xuất bởi tế bào gan, khi cơ thể phản ứng với các tác nhân gây viêm, với nhiễm trùng và tổn thương mô. Sự tăng CRP chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố, và không phải luôn luôn tăng trong NTH có giảm bạch cầu hạt.
CRP vẫn duy trì sự tăng trong vòng 24-48 giờ sau khởi phát nhiễm trùng (2). Thời gian bán hủy sinh học là 19 giờ, giảm 50% nồng độ mỗi ngày sau khi kích thích viêm cấp tính đã được giải quyết. (1)
Lượng CRP tăng cao trong máu gợi ý cho thấy có viêm nhiễm cấp.
Lượng CRP trong máu giảm xuống có nghĩa là tình trạng bệnh nhân tốt hơn và tình trạng viêm nhiễm giảm.
CRP tăng sau nhồi máu cơ tim, nhiễm trùng huyết và sau phẫu thuật. CRP tăng trong máu trước khi xảy ra đau, sốt, và các chỉ điểm lâm sàng khác.
Khi phối hợp với các dữ kiện lâm sàng và xét nghiệm khác, giá trị CRP đo hàng loạt là một phương tiện hữu ích trong việc theo dõi và có thể góp phần trong việc giảm thiểu những trường hợp dùng kháng sinh không cần thiết.
Ngoài CRP, các cytokine và PCT cũng có thể hữu ích trong việc chẩn đoán và theo dõi NTSS, nhưng cần phải có thêm nhiều thử nghiệm đa trung tâm trước khi được khuyến cáo áp dụng đại trà.
Mức độ CRP có thể nhảy vọt lên gấp hàng ngàn lần để phản ứng với hiện tượng viêm và sẽ rất có giá trị trong việc theo dõi diễn biến của bệnh.
Xét nghiệm CRP có ích trong đánh giá các bệnh lý sau:
Bệnh viêm loét đại tràng
Một số dạng viêm khớp
Các bệnh tự miễn
Viêm nhiễm vùng tiểu khung (Pelvic Inflammatory Disease)
Viêm ruột thừa?
Bệnh mạch vành tim (CHD)
Bệnh tim mạch
Tuy xét nghiệm CRP không đủ tính đặc hiệu để chẩn đoán một bệnh lý nào đó, nó vẫn có thể giúp ích với vai trò là một chỉ điểm tổng quát cho viêm nhiễm, và như thế sẽ báo động cho thầy thuốc biết khi nào thì cần phải làm thêm xét nghiệm khác để chẩn đoán và điều trị.
Khi nào cần xét nghiệm?
Do CRP tăng trong những trường hợp viêm nặng, xét nghiệm sẽ được chỉ định khi có nguy cơ viêm cấp (như nhiễm trùng sau phẫu thuật) hoặc khi có nghi ngờ dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân.
Xét nghiệm cũng được chỉ định để giúp đánh giá các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, lupus, và thường được lập lại nhiều lần để đánh giá hiệu quả điều trị.
Xét nghiệm đặc biệt hiệu quả cho việc theo dõi những tình trạng viêm nhiễm vì lượng CRP sẽ giảm khi viêm nhiễm thoái lui.
CRP còn được sử dụng để theo dõi lành vết thương, các vết mổ sau phẫu thuật, ghép tạng, phỏng để sớm phát hiện khả năng xảy ra nhiễm trùng.
3. Pro Calcitonin
PROCALCITONIN- Một marker đặc hiệu cho nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn huyết
Ngay từ năm 1914, nhiễm khuẩn huyết (sepsis) đã được định nghĩa là sự đáp ứng viêm hệ thống của cơ thể với nhiễm trùng. Cho đến nay, kết quả của các nhà điều tra dịch tễ học cho thấy nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn vẫn là những nguyên nhân chính gây tử vong tại các khoa điều trị tích cực, kể cả những khoa điều trị tích cực hiện đại. Tại Mỹ và châu Âu tỉ lệ này là 40 -50%, phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của rối loạn chức năng các cơ quan trong cơ thể. Nhiễm khuẩn huyết thường được chẩn đoán qua các tiêu chí: nhiệt độ, nhịp tim, số lượng bạch cầu…, tuy nhiên các tiêu chuẩn này thường không đặc hiệu và hiện diện trong nhiều bệnh lý khác nhau, vài tiêu chuẩn thường dễ phát hiện và vài tiêu chuẩn ngay cả trong nhiễm khuẩn huyết vẫn không thấy hiện diện.
Vì vậy, các nhà lâm sàng rất khó đưa ra tiêu chuẩn vàng cho chẩn đoán và loại trừ nhiễm khuẩn huyết. Thực tế tại các bệnh viện đặc biệt là khoa điều trị tích cực(ICU) là nơi có tần xuất nhiễm khuẩn huyết cao: 33% trên tổng số bệnh nhân nội trú, 50% trên tổng số bệnh nhân cần chăm sóc tích cực và 80% trên tất cả bệnh nhân ICU sau phẫu thuật, đòi hỏi cần phải có chẩn đoán sớm và chính xác tình trạng nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhân nghi ngờ có tình trạng nhiễm khuẩn, việc quyết định có sử dụng kháng sinh hay không có ý nghĩa rất quan trọng vì nếu lạm dụng kháng sinh hay bỏ sót một bệnh lý nhiễm khuẩn đều có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Nếu dùng không đúng dễ gây ra tình trạng đa kháng kháng sinh (Multi Resistence Antibiotic) nguy hiểm. Đó chính là lý do giải thích tại sao cần chẩn đoán sớm nhiễm khuẩn huyết và marker nào đáp ứng được yêu cầu chẩn đoán sớm và chính xác tình trạng nhiễm khuẩn huyết.
Theo báo cáo của Hội nghị bàn tròn về nhiễm khuẩn huyết tại Canada lần thứ 5( tháng 10 năm 2000), người ta phân loại các marker sinh học được sử dụng trong chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết như sau:
STT | Marker | Chẩn đoán | Tiên lượng | Theo dõi |
1 | Procalcitonin(PCT) | +++ | +++ | +++ |
2 | Interleukin 6(IL-6) | ++ | +++ | ++ |
3 | Số lượng bạch cầu | ++ | + | ++ |
4 | Endotoxin | ++ | ++ | ++ |
5 | C- Reactive Protein | ++ | ++ | ++ |
6 | HLA-DR | + | +++ | ++ |
7 | Protein C | + | ++ | + |
8 | Interleukin 10 | + | ++ | + |
9 | HMG-1 | ++ | ++ | ++ |
Trong số những marker trên người ta nhận thấy: IL-6, CRP có thể tăng thoáng qua bởi nhiều kích thích khác hơn là nhiễm khuẩn, mặt khác endotoxin không cho biết mức độ nặng của quá trình viêm…trong khi PCT có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với các marker khác. Đây là một marker đặc hiệu cho nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn huyết.Nó được sản xuất chuyên biệt bởi nhiễm trùng không do virus, có phạm vi định lượng rất rộng ( từ 0,01ng/ml đến 1000ng/ml trong huyết tương), không bị ảnh hưởng bởi nhiễm virus hoặc các đáp ứng tự miễn khác, thời gian bán hủy dài (24h), nồng độ trong máu độc lập với chức năng thận, điều này đặc biệt quan trọng khi biện luận, đánh giá kết quả. Những nghiên cứu về lâm sàng cho thấy PCT giúp phân biệt được có nhiễm khuẩn hay không nhiễm khuẩn. Nồng độ PCT thấp có giá trị tiên lượng âm tính cao để loại trừ nhiễm khuẩn huyết và ngược lại, nồng độ PCT cao ủng hộ chẩn đoán nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn nhất là khi có rối loạn chức năng các cơ quan, hậu quả của quá trình viêm toàn thân, suy đa tạng. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy PCT có thể rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh, phân biệt được nhiễm khuẩn do vi khuẩn hay siêu vi, theo dõi đáp ứng với điều trị kháng sinh và kiểm soát ổ nhiễm khuẩn tốt hơn các marker khác. Chỉ tính riêng từ năm 1980, xuất bản ấn phẩm đầu tiên về PCT đến năm 1995 có 10 ấn phẩm thì đến năm 2004 số ấn phẩm về PCT đã lên tới hơn 400 ấn phẩm, đã phần nào khẳng định vai trò của PCT trong nghiên cứu và ứng dụng lâm sàng.
Cấu trúc, đặc tính sinh hóa học của PCT
Cấu trúc hóa học của Pro Calcitonin
Cấu trúc hóa học của Pro Calcitonin
PCT là tiền chất của hormone calcitonin, gồm 116 acid amin và hình thành từ gen CALC-1 thuộc nhiễm sắc thể 11 trong hệ thống gen ở người. Sau khi phiên mã từ CT-DNA thành mRNA, sản phẩm đầu tiên là pre-procalcitonin, sản phẩm này qua nhiều biến đổi thành PCT. PCT tiếp tục biến đổi nhờ các enzyme thành các peptid có phân tử lượng nhỏ hơn như: calcitonin (32 acid amin), katacalcin (21 acid amin)…Tất cả các tiền tố từ PCT đến các hormone, peptid… đều có thể phát hiện được trong máu người khỏe mạnh. PCT có nguồn gốc từ tế bào C tuyến giáp, tế bào gan, monocyte (khi có nhiễm khuẩn). Nội độc tố vi khuẩn, cytokin tiền viêm, IL-6 và TNF-α là những dẫn chất chính trong cơ chế tăng sinh PCT, với sự có mặt của mRNA hiện diện trong mọi tế bào, nhưng nơi tổng hợp và giải phóng PCT chủ yếu vẫn là tại gan.
Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra một giả thuyết về nguồn gốc của PCT khi nhiễm khuẩn. Theo đó PCT không phải là một hormone, cũng không phải là cytokine mà là một hormokine và mô hình biến đổi sau khi phiên mã của các tiền tố calcitonin gồm hai hướng:
Theo hướng nội tiết thần kinh truyền thống: vị trí tổng hợp PCT ở người khỏe mạnh là các tế bào C của tuyến giáp. Sự biểu hiện của CT-mRNA chỉ xảy ra ở các tế bào nội tiết thần kinh. Quá trình giải phóng calcitonin sau phiên mã chỉ xảy ra ở túi Golgi. Theo hướng này calcitonin đóng vai trò quan trọng trong điều hòa chuyển hóa canxi và phosphate trong xương.
Theo hướng thay thế trong viêm và nhiễm khuẩn (khả năng tổng hợp PCT liên quan tới nhiễm khuẩn). Các tác nhân khởi tạo cho sự tổng hợp PCT là các cytokine tiền viêm như IL-1, TNF-α hoặc những thành tố của màng tế bào vi sinh vật như peptidoglycan. Hướng tổng hợp này được Muller và cộng sự mô tả lần đầu tiên năm 2001. Sau khi được khởi tạo bởi nhiễm khuẩn, lượng mRNA của PCT có thể được phát hiện trong tất cả các mô nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đầu tiên các bạch cầu đơn nhân gắn kết được kích thích bởi cytokine sẽ giải phóng PCT với lượng thấp( trong vòng 2 giờ). Tuy nhiên đây là giai đoạn tổng hợp rất quan trọng và từ đó nhanh chóng tạo ra một lượng lớn PCT trong tất cả các mô. Trong nhiễm khuẩn lâm sàng, PCT được tạo ra ở hướng thay thế ở tất cả các tế bào nhu mô và bài tiết vào hệ thống tuần hoàn. Hơn nữa, do các tế bào nhu mô là dạng mô phổ biến nhất ở người, điều này lý giải tại sao có thể tạo ra một nồng độ cực lớn PCT( tăng gấp 100 000 lần so với nồng độ sinh lý). Quá trình tổng hợp PCT tiếp tục xảy ra khi nào vẫn còn sự kích thích tổng hợp do nhiễm khuẩn. Các thử nghiệm còn được tiến hành để giải thích tại sao PCT chỉ được tổng hợp khi nhiễm khuẩn mà không phải do nhiễm virus. Theo đó các tế bào được nuôi cấy trong môi trường hoặc chứa IL-1, hoặc chứa cả hai loại IL-1 và INF-α. Kết quả cho thấy, các tế bào chỉ được sử lý với IL-1 vẫn tổng hợp PCT. Ngược lại, được nuôi cấy với IL-1 và INF-α không có tổng hợp PCT. Kết quả này cho thấy INF-α là tác nhân ức chế quá trình tổng hợp PCT. Các tế bào bị nhiễm virus luôn giải phóng INF-α, đó chính cơ sở cho thực tế sử dụng PCT như một công cụ hiệu quả để phân biệt nhiễm khuẩn với nhiễm virus.
click vào hình để xem rõ |
So sánh PCT với CRP và Cytokine
So với các marker khác, PCT có tính đặc hiệu cao khi đáp ứng với nhiễm khuẩn toàn thân nặng. Trong nhiễm khuẩn, nồng độ PCT sẽ gia tăng và có thể phát hiện được sau 2 giờ, trong khi đó CRP bắt đầu tăng sau khoảng 6 giờ. Các cytokine có thể tăng sớm hơn song thời gian bán hủy nhanh, kỹ thuật định lượng đòi hỏi phức tạp hơn nên ít thích hợp trong điều kiện hiện nay. Với ưu điểm về động học như vậy nên PCT thích hợp được sử dụng để hướng dẫn điều trị và đánh giá tiên lượng bệnh. Khi tình trạng nhiễm khuẩn được hồi phục, PCT sẽ quay trở lại giá trị sinh lý. Vì vậy, diễn biến nồng độ PCT có thể được sử dụng để theo dõi diễn biến và tiên lượng nhiễm khuẩn hệ thống nghiêm trọng đồng thời là cơ sở để điều chỉnh các quyết định điều trị hiệu quả. Việc sử dụng động học của PCT kết hợp với các dữ liệu lâm sàng để quyết định thời điểm bắt đầu và thời gian sử dụng kháng sinh tùy theo từng trường hợp cụ thể là rất thiết thực đối với các thầy thuốc lâm sàng. Điều này cũng đặc biệt có ý nghĩa vì sử dụng kháng sinh không đúng sẽ dẫn tới sự kháng kháng sinh của hàng loạt vi khuẩn, đồng thời giảm chi phí, giảm tác dụng phụ của kháng sinh cũng là một nhu cầu cấp thiết hiện nay.
Ứng dụng lâm sàng của PCT
Năm 2006 Hiệp hội nhiễm khuẩn Đức xuất bản các hướng dẫn cho chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn. Trong đó dựa trên các dữ liệu từ hơn 700 thử nghiệm lâm sàng, PCT được đánh giá theo các tiêu chí cho y học bằng chứng.
Giá trị nồng độ PCT được khuyến cáo sử dụng như sau:
Giá trị bình thường: PCT < 0,05 ng/ml
Giá trị PCT < 0,10ng/ml: Không chỉ định dùng kháng sinh
Giá trị PCT < 0,25ng/ml: Không khuyến cáo dùng kháng sinh, nếu trị liệu giảm xuống mức này thì tiếp tục dùng cho hiệu quả.
Giá trị PCT > 0,25ng/ml: Khuyến cáo và cân nhắc sử dụng kháng sinh.
Giá trị PCT > 0,50 ng/ml: Chỉ định kháng sinh là bắt buộc.
Giá trị PCT 0,50 – 2,0 (ng/ml): Nhiễm khuẩn do đáp ứng viêm hệ thống tương đối, nguyên nhân có thể là chấn thương, phẫu thuật sau chấn thương, sốc tim…
Giá trị PCT 2,0 – 10 (ng/ml): Đáp ứng viêm hệ thống nghiêm trọng (SIRS), nguyên nhân bởi nhiễm trùng hệ thống và nhiễm khuẩn huyết, chưa có suy đa tạng.
Giá trị PCT > 10 ng/ml: Đáp ứng viêm hệ thống sâu do nhiễm khuẩn huyết nghiêm trọng hoặc sốc nhiễm khuẩn.
Khi nghiên cứu hơn 200 bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới (2004), tác giả Christ Crain và cộng sự nhận thấy 73% bệnh nhân trong nhóm chuẩn được chỉ định dùng kháng sinh, trong khi chỉ có 23% bệnh nhân trong nhóm điều trị theo nồng độ PCT dùng kháng sinh cho kết quả tương đương. Dựa theo trị số của PCT có 10% bệnh nhân viêm phổi không có chỉ định dùng kháng sinh. Điều này gợi ý cho sự cần thiết tìm những nguyên nhân viêm phổi không do vi khuẩn( VD: viêm phổi do virus, tắc mạch phổi, khối u…). Trong nhi khoa PCT giúp chẩn đoán sớm nhiễm khuẩn xâm lấn với độ chính xác cao ( sốt <12 giờ), đặc biệt là nhiễm khuẩn toàn thân nặng de dọa mạng sống của trẻ. Ngoài ra, PCT còn được chứng minh tiên lượng được biến chứng, diễn biến của nhiễm khuẩn huyết. PCT có thể còn giúp phân biệt giữa nhiễm khuẩn huyết và SIRS, phân biệt giữa nhiễm khuẩn và thải ghép… Tóm lại những bệnh nhân nghi ngờ nhiễm khuẩn hoặc nhiễm khuẩn huyết, bệnh nhân đang có nguy cơ đặc biệt (sau phẫu thuật, trung hoà miễn dịch…) là những bệnh nhân nên được định lượng PCT theo dõi và các nhà nghiên cứu khuyến cáo :trong trường hợp nghi ngờ nhiễm khuẩn huyết nên xét nghiệm PCT ngay, nếu âm tính nên lặp lại 6 giờ một lần để bắt được đáp ứng chẩn đoán sớm nhất. Để theo dõi diễn biến của bệnh và hiệu quả của điều trị nên thực hiện xét nghiệm PCT một ngày một lần. Nếu nồng độ PCT giảm 30-50% theo ngày thì nhiễm khuẩn đã được kiểm soát. Ngoài ra trong ứng dụng trị liệu kháng sinh dựa trên giám sát nồng độ PCT, các nhà nghiên cứu về PCT cũng khuyến cáo :
Trường hợp 1: Ngừng kháng sinh nếu:
Nồng độ PCT giảm <0,1 ng/ml hoặc > 80% NO và
Tình trạng lâm sàng cải thiện đáng kể
Trường hợp 2: Đổi kháng sinh khác nếu:
Nồng độ PCT không giảm và
Triệu chứng lâm sàng tồn tại hoặc tăng thêm dấu hiệu nhiễm trùng.
Trường hợp 3: Tiếp tục kháng sinh đang dùng nếu:
Triệu chứng lâm sàng được cải thiện
Nồng độ PCT không ứng với trường hợp 1 và 2.
Tóm lại: PCT với những giá trị vượt trội như trên đã chứng tỏ là một công cụ đáng tin cậy để chẩn đoán nhiễm khuẩn đặc biệt là nhiễm khuẩn toàn thân và phân biệt được các mức độ, đồng thời sử dụng động học của PCT kết hợp với các dữ liệu lâm sàng là phương tiện theo dõi hiệu quả diễn biến bệnh lý nhiễm trùng và trị liệu kháng sinh tin cậy, qua đó làm giảm thời gian sử dụng kháng sinh, giảm hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc và quan trọng là giảm chi phí điều trị…Xét nghiệm định lượng PCT hiện có khả năng thực hiện được tại khoa Hoá sinh bệnh viện Bạch Mai với kỹ thuật miễn dịch điện hoá phát quang trên hệ thống Modular Analytics E170 ( Roche Diagnostics).
Nguồn: chiaseykhoa.com