Thứ Ba, 8 tháng 9, 2020

Tìm hiểu Tổng quan về Bệnh sán lá gan lớn


I-Tổng Quan:

Sán lá gan được xem là nguyên nhân gây ra bệnh sán lá gan ở các loài động vật ăn cỏ tại Châu Á và Châu Phi. Tại một số quốc gia, tỷ lệ nhiễm bệnh có thể lên đến 80-100%.

Sán lá gan là một ký sinh trùng sống ký sinh ở các động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu, dê... Có hai loại sán lá gan: sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ.

- Fasciola hepatica (F.hepatica) và Fasciola gigantica (F.gigantica) là nguyên nhân gây bệnh sán lá gan lớn. Loài sán này có mặt ở Việt Nam và hơn 61 quốc gia trên thế giới, chủ yếu ở những vùng có chăn thả gia súc. Trong khi F.hepatica chủ yếu phân bố ở châu Âu, châu Mỹ, Đông nam châu Phi và Nhật Bản thì F.gigantica lại chủ yếu phân bố ở châu Phi, Đông Nam Á, Ấn Độ và khu vực quần đảo Hawaii. Đây là loại sán có kích thước lớn nhất trong họ sán lá, chiều dài từ 2-3cm, chiều rộng khoảng 1cm  (có lẽ đây là lý do chính để gọi là sán lá gan lớn).

Fasciola hepatica trưởng thành

Sán lá gan lớn ở Việt Nam do ấu trùng Fasciola gigantica phát triển thành. Fasciola gigantica là một loài sán dẹp thuộc lớp Trematoda. Những con sán lá gan này thường ký sinh ở gan và đường mật của những động vật ăn cỏ.

Trứng các loại sán thường gặp thuộc lớp Trematoda

Về bản chất có thể gọi đây là loại bệnh của các loài động vật ăn cỏ (còn gọi là động vật nhai lại) như trâu, bò, dê, cừu, hươu... (gọi là vật chủ cuối cùng  hay vật chủ chính); còn người và một số động vật khác  như lợn, chó, mèo là các đối tượng không may mắc bệnh (tạm gọi là vật chủ không may hoặc vật chủ không thường xuyên= accidental hosts).  Nghiên cứu chu kỳ gây bệnh, chúng ta sẽ hiểu tại sao loài người lại có thể mắc bệnh sán lá gan lớn.

II. Vòng đời và đường lây nhiễm bệnh sán lá gan lớn.

Sán trưởng thành ký sinh ở ống mật chủ và đường mật trong gan người, gia súc. Trứng xuống ruột theo phân ra ngoài. Trong nước, trứng nở ra trùng lông rồi xâm nhập vào một số loài ốc; khi phát triển thành ấu trùng đuôi di động thì rời khỏi ốc.

Fasciola gigantica

Fasciola gigantica, Fasciola hepatica có trong cá nước lợ, và chủ yếu hơn là trong các loại  rau sống trong nước (cải xoong, ngổ, rau om, rau cần, ngó sen, rau nhúp v.v…). Ăn gỏi cá, rau sống làm cho dạng nang ấu trùng (metacercaria) xâm nhập vào dạ dày ruột, rồi tự lột lớp vỏ, xuyên qua màng ruột, theo máu vào gan, phát triển trong tế bào gan, rồi sau đó định hình ở ống mật.

Sau khoảng 2- 3 tháng sẽ phát sinh triệu chứng: sốt, run lạnh, đau vùng bụng, vùng gan (hông phải). Nếu không điều trị sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính. Lúc này người bệnh có biểu hiện mệt, chán ăn, buồn nôn, xuất huyết đường tiêu hóa, thiếu máu, đau khớp, đau cơ, ho, có thể tràn dịch màng phổi. Đồng thời sẽ tạo ra những ổ áp-xe nhỏ, rồi những ổ áp-xe lớn, phá tổ chức gan, dẫn đến xơ gan, gây xơ cứng đường mật, tắc mật, vàng da.

Trứng F. hepatica có nắp (operculum)

Trứng sán có trong đường mật của vật chủ chính. Sau đó trứng được đào thải ra ngoài theo phân dưới dạng trứng chưa trưởng thành. Ở bên ngoài, trứng chưa trưởng thành cần phải có môi trường nước để tiếp tục phát triển và hoàn thiện chu kỳ. Trong môi trường nước, trứng sán tiếp tục phát triển thành phôi, sau đó tự giải phóng ra ngoài dưới dạng  ấu trùng lông (miracidium=trong điều kiện thời tiết mùa hè thích hợp thời gian này mất khoảng 2 tuần). Trùng lông di chuyển trong nước, tìm đến và xâm nhập vào vật chủ trung gian thích hợp là các loài ốc nước ngọt Lymnaea truncatula. Ở trong ốc, ấu trùng lông phát triển qua các giai đoạn thành bào ấu trùng (sporocysts) và ấu trùng (cercariae). Để tiếp tục chu kỳ các ấu trùng của sán lá gan lớn rời khỏi ốc bám vào bề mặt của các cây thủy  sinh như các loại rau, cỏ... Ấu trùng có ở bề mặt của các cây thủy sinh là giai đoạn có khả năng gây bệnh của sán lá gan lớn. Lúc này các loại động vật ăn cỏ ăn phải cỏ có chứa ấu trùng hoặc người không may ăn phải các loại rau, củ thủy sinh có chứa ấu trùng thì sẽ mắc bệnh sán lá gan lớn.

Ốc nước ngọt Lymnaea truncatula

- Điểm khác biệt của sán lá gan lớn so với sán lá gan nhỏ hay một số loại sán lá khác là có thể gây bệnh ngay sau khi thoát ra khỏi vật chủ trung gian thứ nhất là ốc chứ không đòi hỏi phải có vật chủ trung gian thứ hai.

- Sau khi xâm nhập qua đường miệng, ấu trùng tới ruột non và thoát vỏ. Từ đây ấu trùng xâm nhập vào các khoang của cơ thể bằng cách xuyên qua thành ruột và nhập vào đường mật bằng cách xuyên qua nhu mô gan. Đôi khi ấu trùng tới gan bằng đường máu hoặc đường bạch huyết ở thành ruột. Ngoài gan và đường mật, ấu trùng sán lá gan lớn còn có thể xâm nhập vào phổi, tử cung, hoặc một số tổ chức liên kết. Khi đã tới được các cơ quan hay tổ chức, ấu trùng sẽ phát triển thành sán trưởng thành gây bệnh, đẻ trứng để bắt đầu chu kỳ tiếp theo.

Hình thể, vòng đời và đường lây nhiễm của sán lá gan lớn (Fasciola hepatica)

Nếu vật chủ thích hợp, chúng có thể tồn tại ở người từ 9 - 13,5 năm. Ấu trùng xuyên qua thành ruột non và xuyên qua phúc mạc xâm nhập bao gan rồi di chuyển dần đến ống gan lớn.

Bệnh tiến triển theo hai giai đoạn

1. Giai đoạn gan (xâm nhập): Các triệu chứng xuất hiện khoảng 6-12 tuần sau khi ăn phải các ấu trùng nang (metacercariae) và kéo dài 2-4 tháng. Trong giai đoạn này, một số lượng lớn ấu trùng di chuyển qua thành ruột, qua khoang phúc mạc, bao gan. Các triệu chứng hay gặp nhất là đau bụng, sốt cơn, sút cân, nổi mề đay, ho, khó thở, đau ngực, rối loạn đại tiện, chán ăn và buồn nôn. Có khi đau khắp bụng nhưng thường khu trú ở vùng hạ sườn phải.

2. Giai đoạn mật (trưởng thành): Có thể kéo dài nhiều năm, do F.hepatica có xu hướng di chuyển đến lòng ống mật chủ và phát triển thành sán trưởng thành ở đó. Trứng xuất hiện trong phân sau giai đoạn tiền lâm sàng khoảng 3-4 tháng. Khi xuất hiện tổn thương ở vị trí này thì giai đoạn phá hủy gan kết thúc. Các triệu chứng như sốt, chán ăn và đau bụng có thể hết, bệnh nhân chuyển sang giai đoạn không triệu chứng. Tăng bạch cầu ưa axit (eosinophils) là một dấu hiệu thường gặp. Nhiều bệnh nhân có biến chứng bán tắc mật cùng với đau từng cơn vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải, có biểu hiện của viêm đường mật cấp: sốt, vàng da, đau bụng...

- Khi xâm nhập vào gan, sán lá gan lớn gây nên các tổn thương ở gan rất nặng nề mà hậu quả là chảy máu và hình thành sẹo. Sau khi sán đã xâm nhập vào đường mật, cùng với các tổn thương cơ học, các độc tố sẽ làm cho thành ống mật dày lên, đường mật giãn, tổ chức gan tổn thương thoái hóa, cuối cùng dẫn đến xơ gan.

- Ở giai đoạn sớm và trong trường hợp số lượng sán trong đường mật chưa nhiều, các biểu hiện của bệnh sán lá gan lớn thường ít được chú ý. Có thể gặp đau vùng thượng vị, sốt, nôn, tiêu chảy, ngứa. Người bệnh có thể có các triệu chứng này kéo dài trong vài tháng. Giai đoạn sau là các biểu hiện của tình trạng viêm túi mật hoặc áp-xe gan. Xét nghiệm máu lúc này thường có hình ảnh của một tình trạng nhiễm khuẩn với tăng eosinophils.

- Nhưng nếu người chưa là vật chủ thích hợp, sán non còn di chuyển xuống đại tràng, ra thành ngực, đến tuyến vú hoặc xuyên thủng da chui ra khớp gối. Thế giới cũng đã từng ghi nhận những trường hợp sán chui cả xuống buồng trứng, tinh hoàn, màng phổi...

- Sau khoảng 6 - 12 tuần khi sán lá gan lớn xâm nhập, người bệnh có biểu hiện hay gặp nhất là: đau bụng, sốt cơn, sút cân, nổi mề đay, ho, khó thở, đau ngực, rối loạn đại tiện, chán ăn và buồn nôn. Có khi đau khắp bụng nhưng thường khu trú ở vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị nên dễ nhầm với các bệnh về gan mật hoặc dạ dày. Khi sán lá gan lớn đã khu trú lâu trong cơ thể, gây áp xe có mủ, hủy hoại dần bộ phận gan. Bệnh có thể dẫn đến tử vong do vỡ bao gan, xuất huyết hoặc sốc nhiễm trùng vì viêm phúc mạc…

III-Chẩn đoán và điều trị

Khi người bệnh có các biểu hiện của một tình trạng nhiễm khuẩn, viêm túi mật, áp-xe gan như đã mô tả đồng thời lại có tiền sử ăn rau sống, rau tái, đặc biệt là ở các vùng đang có bệnh lưu hành thì bệnh sán lá gan lớn là một chẩn đoán cần phải được nghĩ đến. Ngoài tổn thương ở gan, các tổn thương ở cơ quan khác cũng cần được quan tâm. Các xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán là tìm trứng sán trong phân hoặc trong dịch tá tràng. Xét nghiệm miễn dịch và hình thái có giá trị cao trong chẩn đoán.

A- Lâm Sàng biểu hiện khi mắc bệnh sán lá gan lớn

Không như một số tỉnh ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... thường có tập quán ăn gỏi cá nước ngọt nên tỷ lệ mắc bệnh gán lá gan nhỏ khá cao, các tỉnh khác ở miền Trung -Tây Nguyên, người dân thường thích ăn sống các loại rau trồng hoặc mọc ở dưới nước nên nguy cơ mắc bệnh sán lá gan lớn khá cao. Khi bị mắc bệnh sán lá gan lớn, bệnh nhân thường thấy các biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng như toàn thân mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút, thiếu máu nhẹ, sốt thất thường hay sốt cao. Đối với hệ tiêu hóa thường thấy đau bụng, đầy bụng, buồn nôn, chán ăn, ăn khó tiêu, xuất huyết tiêu hóa, gan to, vàng da... Các triệu chứng khác thấy kèm theo như bị ban đỏ dị ứng, đau khớp, đau cơ, ho, tràn dịch màng phổi, màng bụng, cũng có thể bị tổn thương ở những nơi sán ký sinh lạc chỗ như khớp, vú, cơ...

B-Xét nghiệm - Biện pháp đơn giản và hiệu quả

- Bệnh rất khó chẩn đoán về mặt hình ảnh học (kể cả bằng siêu âm hay chụp CT scan gan) dễ dẫn đến xử lý không đúng nguyên nhân gây bệnh. Bởi khi ấu trùng xuyên qua các cơ quan, bộ phận trong cơ thể, các tổn thương có thể gây triệu chứng không rõ rệt.

- Khi thấy có các triệu chứng đã nêu ở trên, người bệnh cần đi xét nghiệm và chẩn đoán sán lá gan lớn.

- Các xét nghiệm bệnh sán lá gan lớn thường không tốn kém ,thời gian xét nghiệm cũng nhanh (24h) nên có thể thực hiện sớm, tránh để xảy ra trường hợp nhầm lẫn với các bệnh lý về gan mật khác, đặc biệt ung thư gan.

- Phương pháp xét nghiệm chủ yếu là phản ứng miễn dịch, xét nghiệm công thức máu (tăng bạch cầu ái toan). Ngoài ra, có thể sử dụng một số chẩn đoán hỗ trợ như X quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ...

- Xét nghiệm cận lâm sàng ghi nhận kết quả test Elisa với sán lá gan dương tính (+), tỷ lệ bạch cầu ái toan tăng trên 8% (có thể lên tới 80%).

- Siêu âm gan hoặc chụp CT scan cho thấy có tổn thương dạng sán lá gan lớn tại gan.

Xét nghiệm dịch tá tràng hoặc phân cũng có thể tìm thấy trứng sán lá gan lớn.

(Theo tài liệu nghiên cứu của TTCDYK Medic)

Triệu chứng chung

Số ca

Tỉ lệ % n=44

Cấu trúc chủ mô gan không đồng nhất

44

100.0

Có vị trí dưới bao

7

15.90

Ở phân thùy 5-6

15

34.09

Có nhiều ổ áp xe nhỏ

21

47.73

Nền tổn thương có echo kém

15

34.09

Nền tổn thương có echo dày

7

15.90

Có vôi hóa nhỏ li ti

0

 

Hạch rốn gan

0

 

Có dạng giống hemangioma

0

 

Dày vách đường mật khu trú

13

29.55

Dày vách túi mật

0

 

Có dấu hiệu vòng Olympic

1

2.27

Có tụ dịch ngoài gan

0

 

Có hình ảnh dị vật đường mật

1

2.27

Theo y văn, người bị nhiễm Fasciola có tổn thương ở gan (hepatic fascioliasis) và ở đường mật (biliary fasciolasis). Tuy nhiên biểu hiện tổn thương đường mật cũng hiếm gặp.

Cơ chế gây bệnh của Fasciola Hepatica

  • gây hoại tử áp xe
  • gây xơ hóa chủ mô
  • gây viêm gan khoảng giữa
  • gây tổn thương đường mật, nơi định cư

- Đặc điểm tổn thương chủ mô gan trên siêu âm: dạng thâm nhiễm là phổ biến, có thể gọi là thâm nhiễm gan do sán lá gan lớn. Các tổn thương gọi là áp-xe có thể chỉ là chỗ nang hóa, điều này phù hợp với hình ảnh chụp CT-scan. Dấu hiệu dãn và dày vách đường mật hiếm gặp, có thể do tổn thương vẫn còn ở giai đoạn sớm. Dấu hiệu tích tụ dịch dưới bao gan không gặp thường, và tổn thương ở phân thùy 5-6 cũng không phải là qui luật.

- Nguyên nhân tổn thương: Kích thước Fasciola trung bình 3.0 x 1.8 cm, về lý thuyết có thể quan sát được trên siêu âm như ngoại vật trong gan, nhưng chưa lần nào được phát hiện. Dù sao cần tìm sán lá gan trong tổn thương gan để có được chẩn đoán xác định và đặc hiệu nhất.

- Nếu được phát hiện sớm, việc điều trị nhiễm sán lá gan lớn khá dễ dàng.

IV-Thuốc điều trị bệnh sán lá gan lớn

Praziquantel có tác dụng điều trị các loại sán khác rất tốt nhưng không mấy hiệu quả trong điều trị sán lá gan lớn. Thuốc được lựa chọn trong điều trị sán lá gan lớn hiện nay là triclabendazol hoặc bithionol. Tốt nhất là khi đã thấy các biểu hiện nghi ngờ, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, xét nghiệm và điều trị.

A-Triclabendazol

- Tổ chức Y tế thế giới đã tài trợ cho VN khoảng 10 nghìn viên Egaten là thuốc đặc trị chữa bệnh sán lá gan từ tháng 5/2006. Với tốc độ lây lan nhanh của bệnh như hiện nay, số lượng thuốc trên chỉ đảm bảo cầm cự đến tháng 12/2006. Hiện Bộ Y tế đã làm việc với Tổ chức Y tế thế giới về việc cung cấp thuốc đặc trị Egaten, đồng thời xét duyệt kinh phí cho công tác điều tra, tập huấn tại các cơ sở điều trị và tuyên truyền phòng chống bệnh sán lá gan rộng rãi trong dân chúng, nhất là những vùng dân cư còn sử dụng phân chuồng trong sản xuất nông nghiệp, uống nước trực tiếp từ sông suối không qua nấu chín, vì sán lá gan xâm nhập vào cơ thể thông qua đường tiêu hóa. Ngoài ra Bộ Y tế còn lên kế hoạch một dự án khoa học nhằm cơ bản loại trừ bệnh sán lá gan, thời gian triển khai dự án dự kiến từ 2007 đến 2010.

- Thuốc điều trị đặc hiệu có hiệu quả hiện nay được sử dụng là triclabendazole (biệt dược Egaten) do Thụy Sĩ sản xuất. Triclabendazole là dẫn xuất của benzimidazole, một loại thuốc diệt giun sán có hoạt tính đã được chứng minh chống lại sán lá (fluke). Thuốc có hoạt chất 6-chloro-5-(2,3 dichlorophenoxy)-2-methyl-thiobenzimidazole (triclabendazole). Triclabendazol (TCB): cần chú ý phân biệt với tên Fasinex dùng trong thú y và với tên Egaten dùng cho người. TCB ngăn cản quá trình phosphoryl-ôxy hóa ở ty lạp thể, làm cho sán không kiểm soát được hô hấp, đồng thời gắn kết với các phân tử tubulin ngăn cản quá trình hình thành vi ống ở sán. Từ đó,  sán bị tê liệt rồi chết

Egaten 250mg (triclabendazole)

- TCB có hiệu lực với sán lá gan lớn trong giai đoạn non và trưởng thành, có hiệu lực ngay sau khi bị nhiễm 24 giờ và cả trong giai đoạn cấp, bán cấp, mạn nhưng hiệu quả tốt nhất vào giai đoạn tiền giải phẫu bệnh (tuần 1- 4 sau nhiễm).

- Thuốc đã được chứng minh có hiệu quả trong điều trị bệnh sán lá gan lớn do Fasciola hepatica và Fasciola gigantica gây nên. Ngoài ra thuốc cũng có tác dụng điều trị cả bệnh sán lá phổi Paragonimus.

- Sau khi được chẩn đoán xác định bị mắc bệnh sán lá gan lớn, thầy thuốc chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu triclabendazol với liều lượng được điều chỉnh tùy theo trọng lượng của từng bệnh nhân.

- Viên thuốc có hàm lượng 250mg, loại viên nén có vạch và dễ bẻ thành hai nửa bằng nhau để thuận tiện trong việc chia liều chính xác.

- TCB dùng đường uống, sau khi ăn no, nuốt cả viên với một ít nước, không nhai.

- Uống một liều duy nhất 10mg/kg cân nặng. Nếu bệnh nhân không có dấu hiệu thuyên giảm, cần điều trị tiếp lần 2 với liều 20mg/kg cân nặng/ngày, uống chia 2 lần cách nhau 12 -24 giờ.

- Có nhiều cách dùng như dùng một lần duy nhất hoặc dùng 2 lần,  cách nhau 12 giờ hoặc dùng 3 lần cách nhau 12 giờ. Nếu sau 60 ngày không hết triệu chứng, dùng thêm 1 lần. Ba cách cho kết quả như nhau.

- Có thể điều trị hỗ trợ thêm bằng thuốc kháng sinh có phổ diệt khuẩn rộng để chống bội nhiễm, thuốc hạ sốt, giảm đau...

- Bảo đảm chế độ ăn uống, bồi dưỡng hợp lý để bổ sung năng lượng cho bệnh nhân từ 1500 - 2000 Kcalo/ngày.

- Trong quá trình điều trị, phải theo dõi diễn biến của bệnh để đánh giá kết quả. Cần kiểm tra bằng xét nghiệm siêu âm chẩn đoán và thử nghiệm test Elisa trước và sau điều trị vào các ngày thứ 1-7, ngày 15, 30 và 60. Thời gian theo dõi để tránh tái nhiễm từ 6 tháng đến 1 năm.

- Nhược điểm của thuốc đặc hiệu triclabendazole (Egaten) là khó tìm mua được trên thị trường và nếu có tìm được thì giá tiền cũng rất đắt, khoảng từ 1 đến 3 triệu đồng/một liều 2 viên.

- Đứng trước thực trạng khó khăn về thuốc đặc hiệu và để giải quyết tình hình bệnh sán lá gan lớn có chiều hướng phát triển và gia tăng ở một số tỉnh, thành phố trên toàn quốc, bảo đảm đủ thuốc điều trị đặc hiệu để khống chế bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã giúp đỡ, hỗ trợ cho Bộ Y tế Việt Nam và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng một số lượng thuốc triclabendazole theo nhu cầu điều trị hàng năm để cấp cho những bệnh nhân có nhu cầu sử dụng. Thuốc được cấp hoàn toàn miễn phí, không thu tiền thông qua hệ thống quản lý chuyên môn của chuyên ngành ký sinh trùng ở Việt Nam như: Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, Quy Nhơn, TP. Hồ Chí Minh, các Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng tỉnh, thành phố có tỷ lệ mắc bệnh sán lá gan lớn khá phổ biến.

- Ngoài những cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa ký sinh trùng đã được cung cấp thuốc đặc hiệu để điều trị, các cơ sở khám chữa bệnh khác của Nhà nước, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có nhu cầu sử dụng thuốc điều trị bệnh sán lá gan lớn, cần liên hệ với hệ thống các cơ quan, đơn vị chuyên khoa nói trên để được hướng dẫn và giúp đỡ, hỗ trợ thuốc. Muốn có sự giúp đỡ, hỗ trợ thuốc miễn phí, cần có sự giới thiệu của cơ sở khám chữa bệnh kèm tóm tắt bệnh án, kết quả siêu âm chẩn đoán và thử nghiệm test Elisa dương tính (+) với sán lá gan.

- Không nên mua thuốc ở thị trường bên ngoài vì dễ gặp phải thuốc giả và giá lại quá cao.

- Khi có triệu chứng nghi ngờ, cần đi khám tại các cơ sở chuyên khoa ký sinh trùng. Nếu phát hiện bệnh, cần điều trị triệt để, tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Triclabendazole là loại thuốc được ưu tiên lựa chọn vì có hiệu quả và ít tác dụng phụ.

- Nếu có viêm tắc đường mật, phải phối hợp kháng sinh và phẫu thuật.

- Các thuốc điều trị sán lá gan trước đây như emetin, dehydroemetin, chloroquin, albendazole, mebendazole... hiện nay không dùng nữa do hiệu quả kém hoặc độc tính cao.

TCB không gây độc nghiêm trọng, chỉ thấy mệt, suy nhược, đau ngực, sốt, buồn nôn, ói mửa, đau thượng vị, đau hạ sườn phải, gan to, rối loạn nhẹ chức năng gan (enzym ASAT, ALAT, phosphatase kiềm tăng), đau vùng đường mật, vàng da (bilirubin toàn phần tăng). Những hiện tượng này có thể do sán tê liệt phóng thích ra kháng nguyên hơn là do bản thân thuốc. Một số biểu hiện khác hiếm gặp  hơn: ngủ gà, ngứa, đau lưng, ho, khó thở. Dự kiến có cơn đau nặng ở đường mật do sán bị tống ra khi dùng thuốc nhưng trong thực tế thường chỉ thấy đau nhẹ vùng đường mật hoặc  không thấy đau.

- Một vài nghiên cứu mới đây của nhà sản xuất nhận thấy thuốc gây quái thai trên súc vật (với liều quy ra gấp 10 lần liều dùng trên người) nhưng chưa ghi nhận được trường hợp quái thai nào ở người. Chưa  có thông tin đầy đủ về việc thuốc tiết qua sữa. Chưa xác định dược tính an toàn cho trẻ nhỏ. Không nên dùng thuốc cho người có thai, cho con bú, trẻ dưới 6 tuổi.

- Tùy từng trường hợp có thể phối hợp với thuốc chống co thắt (để giảm đau, tránh vàng da), prednisolon (trong trường hợp cấp hay có biểu hiện nhiễm độc do kháng nguyên Fasciola), kháng sinh (dự phòng nhiễm khuẩn do tổn thương đường mật).
Không dùng cho người bị mẫn cảm với TCB  hay với các dẫn chất bendazol. TCB có thể gây tán huyết (thận trọng với người thiếu men glucose-6-phophat-deshydrogenase).

Đây là thuốc đặc trị dùng rộng rãi trong nhiều nước. Nước ta chưa nhập, chỉ có viện trợ của WHO.

B-Các thuốc khác

Artesunat (AT): Hiệu quả điều trị của AT không kém TCB nhưng AT có ưu điểm: dung nạp tốt (đã được chứng minh trong điều trị sốt rét) và không bị kháng thuốc, có thể dùng cho người có thai, sản xuất được trong nước, dễ mua, giá rẻ trong khi TCB đã bị kháng thuốc (ở súc vật), không dùng được cho người có thai và chưa nhập vào nước ta, giá rất đắt (khoảng 3 triệu đồng một liều).

-Albendazol & mebendazol: Chúng  có hiệu quả với sán lá gan lớn ở động vật nhưng lại thất bại trên người (hầu như không hiệu quả ở dạng mạn tính có tổn thương lớn), phải dùng liều rất cao, kéo dài.

Nitazoxanid: Trên lâm sàng có hiệu quả trong giai đoạn non và giai đoạn trưởng thành của sán lá gan lớn, rất kém ở các giai đoạn khác, hiệu quả chung chỉ khoảng 36%.

Emetin hydrochloride:  Có một số hiệu quả nhưng lại ảnh hưởng bất lợi đến tim mạch (viêm cơ tim), chỉ dùng nội trú (dùng tiêm, kéo dài tới 10 ngày) nên không tiện sử dụng trong cộng đồng.

Chloroquin, dithiamin, metronidazol: Thử  trên người  không có kết quả.

Như vậỵ: Chỉ có TCB là thuốc đặc  trị.  Trong các thuốc thử nghiệm, chỉ có AT có  hiệu quả tương đương TCB có thể dùng, song cần nghiên cứu thêm. Các thuốc khác hiện nay không còn nơi nào sử dụng.

V-Để phòng bệnh sán lá gan lớn:

- Không được ăn sống các loại rau thủy sinh như cải xoong, rau diếp, húng, mùi tây, ngổ...

- Không ăn thịt, gan hoặc lòng gia súc chưa nấu chín kỹ.

Rau muống

Rau cải xoong (cresson)

Rau cần

Rau sống

Thức ăn tái sống

- Do ốc là vật chủ trung gian và ăn rau sống  hay ăn các loại cây thủy sinh là căn nguyên mắc bệnh nên biện pháp dự phòng đơn giản nhất là không ăn rau sống, các loại rau, cây thủy sinh, đặc biệt trong vùng đang có bệnh lưu hành.

- Biện pháp dự phòng áp dụng trong cộng đồng là quản lý, xử lý tốt phân của gia súc. Tiến hành tiêu diệt ốc trên diện rộng khi có dịch bệnh lưu hành.

VI-KẾT LUẬN:

Sán lá gan lớn là bệnh nguy hiểm, cần dự phòng tốt (không ăn rau sống, cá gỏi), cần quan tâm thích đáng việc cung ứng thuốc đặc hiệu TCB và  nghiên cứu thêm  về tác dụng điều trị của Actesunat.

BS. ĐỒNG NGỌC KHANH - BV Đa Khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, Bộ Y Tế, TTCDYK Medic, CDC, WHO …

Bài gốc: https://www.hoanmysaigon.com/tim-hieu-tong-quan-ve-benh-san-la-gan-lon.html

Share:

1 nhận xét:

  1. TEMPLE RAZOR: Zinc oxide and titanium dioxide sunscreen
    Zinc oxide and titanium dioxide sunscreen does titanium set off metal detectors (Zinc titanium nipple jewelry oxide, titanium septum jewelry zinc oxide, and zinc dioxide). Zinc oxide. Zinc oxide. Zinc oxide. ion titanium hair color Zinc oxide. Zinc oxide. Zinc pure titanium earrings oxide. Zinc oxide. Zinc oxide. Zinc oxide. Zinc oxide. Zinc oxide. Zinc oxide. Zinc oxide. Zinc oxide.

    Trả lờiXóa