Thứ Ba, 6 tháng 10, 2020

Viêm tụy cấp do tăng triglyceride

 1. Viêm tụy cấp do tăng triglyceride là gì?

Bệnh viêm tụy cấp do tăng triglyceride thường xảy ra ở người bệnh khi nồng độ triglyceride đạt mức trên 20 mmol/l. Mặt khác, khi chỉ số triglyceride tăng ở mức độ nhẹ và vừa thì lại đóng vai trò chính trong pha đầu của quá trình viêm tại tụy. Trên thực tế, chỉ số triglyceride có thể tăng rất nhanh sau những bữa ăn có nhiều chất béo nên có khoảng 10% số bệnh nhân chẩn đoán viêm tụy cấp khi tiến hành xét nghiệm nồng độ triglyceride trên 20mmol/l, tuy nhiên nồng độ này lại giảm rất nhanh sau khoảng 72 giờ điều trị. Chính vì thế, xét nghiệm có thể giúp phát hiện nguyên nhân gây viêm tụy cấp do tăng triglyceride và có hướng điều trị kịp thời.

Cho đến thời điểm hiện tại, cơ chế gây bệnh viêm tụy cấp do tăng triglyceride hiện vẫn chưa được làm sáng tỏ. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, những hạt dưỡng chấp (sẽ bắt đầu xuất hiện trong máu của người bệnh khi nồng độ triglyceride tăng trên 10mmol/l) chứa thành phần là những phân tử lipoprotein rất giàu triglyceride chính là nguyên nhân chủ yếu gây viêm nhiễm tại tụy. Khi cơ thể hoạt động theo hệ tuần hoàn đến tụy, những hạt dưỡng chấp lớn nhất sẽ gây ra tình trạng tắc những mao mạch tụy, khiến cho những acinar tụy ở những vùng bị thiếu máu bị vỡ và cholymicrons sẽ tiếp xúc trực tiếp với lipase tụy, làm tổn thương thêm các acinar và vi mạch nhu mô tụy.

2. Nguyên nhân viêm tụy cấp do tăng triglyceride

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm tụy cấp, ngoài những nguyên nhân hàng đầu là do người bệnh nghiện rượu và mắc bệnh sỏi mật thì còn do tăng triglyceride máu. Nguyên nhân này thường không được chú ý nhiều hoặc bị bỏ qua khi chẩn đoán (chỉ được phát hiện khi tiến hành xét nghiệm và không tìm ra nguyên nhân khác gây ra bệnh).

Tìm hiểu hiện tượng triglyceride máu trong viêm tụy cấp
Nguyên nhân viêm tụy cấp ở người nghiện rượu và mắc bệnh sỏi thận

Ngoài ra chế độ ăn uống không khoa học sẽ góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tụy cấp do tăng triglyceride. Đặc biệt, khi cơ thể có các rối loạn chuyển hóa lipoprotein nguyên phát và thứ phát sẽ đều có liên quan đến viêm tụy cấp do tăng triglyceride.

Đối với người trưởng thành, tăng triglyceride máu nặng thường là kết quả của phối hợp các nguyên nhân nguyên phát và thứ phát. Khi tiến hành nghiên cứu ở 123 bệnh nhân có nồng độ triglyceride > 2.000 mg/dL thì thấy rằng, tất cả bệnh nhân đều có khiếm khuyết chuyển hóa nguyên phát và có đến 110/123 bệnh nhân có đồng thời nguyên nhân nguyên phát và thứ phát. Thực tế, các rối loạn chuyển hóa lipoprotein di truyền thường có sự phát triển thầm lặng cho đến khi có nguyên nhân thứ phát cùng làm cho nồng độ triglyceride tăng cao và gây ra các hội chứng tăng triglyceride máu nặng.

Mức độ tăng triglyceride máu sẽ tỷ lệ thuận với mức độ của viêm tụy cấp. Đồng thời, một số các yếu tố cũng có ảnh hưởng đến tình trạng của bệnh viêm tụy cấp bao gồm: hoạt động của men lipase tuyến tụy, tình trạng tổn thương tuyến tụy trước đó hay hiệu quả của việc làm sạch acid béo ra khỏi huyết thanh....

3. Cơ chế sinh bệnh viêm tụy cấp do tăng triglyceride

Bệnh viêm tụy cấp do tăng triglyceride thường xảy ra khi nồng độ triglyceride vượt quá 1000 mg/dl, chúng hoạt động với 2 cơ chế chính sau:

Do có sự gia tăng nồng độ chylomicrons trong máu người bệnh:

Chylomicrons là chất được tạo thành sau khoảng 1 đến 2 giờ khi ăn và tăng cao nhất sau 4-5 giờ, trong vòng 8 giờ thì chúng sẽ được dọn sạch. Tuy nhiên, khi có sự bất thường về cấu trúc lipoprotein và men lipoprotein lipase ở cơ thể thì sẽ làm cho nồng độ Chylomicrons tăng cao trong máu. Đến khi nồng độ tăng triglyceride vượt quá 1000mg/dL thì chylomicrons sẽ xuất hiện thường xuyên trong các mao mạch, kích thước rất lớn của chúng có thể gây tắc nghẽn các mao mạch tụy và dẫn đến thiếu máu gây hoại tử và toan hóa máu. Trong môi trường acid, các acid béo tự do gây hoạt hóa trypsinogen sẽ dẫn đến quá trình tự tiêu hóa mô tụy và gây ra bệnh viêm tụy cấp.

Phân hủy triglyceride thành acid béo tự do:

Khi nồng độ chylomicron tăng cao sẽ làm cho triglyceride tiếp xúc với men lipase của tụy ở xung quanh tụy và tạo thành acid béo tự do với nồng độ cao, gây ra những tổn thương nhiễm độc tế bào tuyến tụy và tổn thương tại chỗ, đồng thời làm tăng các chất trung gian của phản ứng viêm và các gốc tự do rồi biểu hiện ra bên ngoài bằng các dấu hiệu của viêm tụy cấp.

4. Triệu chứng viêm tụy cấp do triglyceride

Bệnh viêm tụy cấp do tăng triglyceride có những triệu chứng lâm sàng bên đầu tương tự như viêm tụy cấp do các nguyên nhân khác, người bệnh sẽ có biểu hiện:

  • Đau bụng dữ dội, bụng trướng, bí trung đại tiện;
  • Buồn nôn, nôn mửa;
Tìm hiểu hiện tượng triglyceride máu trong viêm tụy cấp
Buồn nôn là triệu chứng viêm tụy cấp do triglyceride
  • Khó thở do bụng trướng hoặc có tràn dịch màng phổi kèm theo;
  • Cảm thấy hoảng hốt, lo sợ hoặc vật vã kích thích, ý thức lơ mơ;
  • Huyết áp tụt, da tái lạnh, mạch nhanh, nhỏ và khó bắt;
  • Khám bụng có thể thấy bụng trướng hơi và có phản ứng cục bộ vùng trên rốn, điểm sườn lưng phải, trái đau.

Đa số người bệnh sẽ thấy xuất hiện dấu hiệu ở tuổi trung niên, tuy nhiên, nếu bị mắc bệnh do rối loạn hay tăng lipid máu có tính gia đình thì có thể phát hiện viêm tụy cấp ngay cả khi nhỏ tuổi.

5. Điều trị viêm tụy cấp do tăng triglyceride

Phương án điều trị bệnh viêm tụy cấp do tăng triglyceride giống như điều trị viêm tụy cấp do các nguyên nhân khác gây ra như bồi phụ nước, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, điện giải, kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn, thăng bằng kiềm toan, hồi sức tích cực cho những trường hợp bệnh nhân nặng có suy tạng....

Trong trường hợp bệnh viêm tụy cấp do tăng triglyceride quá cao thì có thể sử dụng phương pháp điều trị là thay huyết tương để loại bỏ lượng cholymicrons tăng quá cao trong máu. Đây là biện pháp hữu hiệu, an toàn, giúp ngăn cản quá trình viêm tại nhu mô tụy và giá thành phù hợp với nhiều người bệnh.

Bệnh nhân sau khi đã điều trị ổn định viêm tụy cấp do tăng triglyceride máu thì cần tìm ra nguyên nhân khiến cho triglyceride tăng để loại bỏ và dùng thuốc để làm giảm nồng độ chất này trong máu để tránh viêm tụy cấp tái phát.

Nguồn: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/tieu-hoa-gan-mat/tim-hieu-hien-tuong-triglyceride-mau-trong-viem-tuy-cap/

Share:

0 Comment:

Đăng nhận xét